THỜI TIẾT
Độ ẩm :
Gió:
[Đăng ngày 19/02/2013]
GIỚI THIỆU VỀ TIỀM NĂNG
Về tài nguyên đất: Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 3.750  ha, trong đó: đất trồng lúa có diện tích 224,10 chiếm 7,98%; đất trồng hoa màu có diện tích là 215,16 chiếm 6%; mặt nước và sông hồ có 79,24 chiếm 2,21%; diện tích đất rừng và đồi núi chiếm khoảng 76% diện tích tự nhiên nên xã vừa có rừng phòng hộ, vừa có rừng dành cho sản xuất. Xã cũng có tài nguyên rừng vô cùng phong phú với các loại cây quý hiếm như huỳnh đàn, trầm hương, gỗ hương, trắc, sao… dùng để đóng tàu thuyền, vật liệu xây dựng, đóng đồ gia dụng có giá trị xuất khẩu. Thú rừng tương đối đa dạng và phong phú gồm hổ, bò tót, gấu, nai, heo rừng, khỉ, chồn… các loài chim như chim trĩ, gà rừng về đây cư trú. Việc khai thác rừng không có kế hoạch nên rừng ở Xuân Sơn hiện nay không còn nhiều loại gỗ và động thực vật quý hiếm.
Về tài nguyên nước: Nguồn nước trên địa bàn xã được cung cấp từ hồ Đá Đen, suối Diên và các suối nhỏ, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Do ở địa hình cao nên ở xã có mực nước ngầm sâu từ 6-12m. Trước đây nguồn nước này được khai thác (đào và khoan giếng) dùng cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, chất lượng nước khá tốt, không bị nhiễm sắt, chì… Từ khi có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt thì giếng nước ít được nhân dân sử dụng mà dùng cho sản xuất, chăn nuôi.
Về tài nguyên khoáng sản: Do cấu trúc địa chất khu vực đã tạo cho Xuân Sơn nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú như: vàng sa khoáng, đá granit. Riêng đá granit được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng và chất lượng đá khá tốt, phục vụ cho việc làm vật liệu xây dựng, đá ốp lát trong nhà và ngoài trời. Trong những năm qua, mỏ đá Xuân Sơn được tỉnh giao cho công ty THHH Sao Biển, Công ty TNHH – XD Hoàng Anh khai thác, sản xuất đá granit cung cấp thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Đức, Trung Quốc... Nhờ đó, tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. 
Hệ thống giao thông: của xã chủ yếu là giao thông đường bộ, bao gồm đường tỉnh lộ, đường liên xã, đường trục chính và các tuyến giao thông thôn, xóm. Đường tỉnh lộ có chiều dài 4 km, được láng nhựa; đường liên xã: Xuân Sơn - Vạn Lương có chiều dài 3,5km, được bê tông và láng nhựa mặt đường; đường thôn, xóm có chiều dài hơn 17,4km đã được bê tông xi măng và láng nhựa. Mạng lưới giao thông phân bổ tương đối đều, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của địa phương.
Do nằm ở khu vực miền núi của huyện Vạn Ninh nên xã Xuân Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, với địa hình tự nhiên hùng vĩ được dãy núi Đá Đen, Hòn Chảo, Hòn Chùa bao bọc, nên địa thế quân sự của xã có nhiều thuận lợi như rừng núi hiểm trở, có nhiều gộp đá, hang động, khe núi,… các hang có thể chứa hàng trăm người, địa thế có thể bao quát được phía Nam vùng đồng bằng của huyện nên rất thuận lợi về mặt quân sự. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Xuân Sơn là căn cứ cách mạng, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và nay vẫn là nơi phòng thủ chiến lược của huyện. 
* Đặc điểm dân cư
Trước năm 1975, vùng đất Xuân Sơn còn rất hoang sơ, chủ yếu là rừng núi, không có dân định cư, chỉ có các lực lượng kháng chiến hoạt động và một số ít dân của thôn Xuân Tự, Tân Đức lên đây trồng lúa ở cánh đồng Công và Tư, hoặc lên rừng lấy gỗ, đốt than, kiếm củi.
Thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, khôi phục và phát triển kinh tế. Năm 1981, UBND tỉnh Phú Khánh quyết định xây dựng Điểm kinh tế mới Xuân Sơn – Suối Miễu chủ yếu là để giãn dân các nơi trong tỉnh về Xuân Sơn khai hoang phát triển kinh tế. Thực hiện chủ trương của tỉnh, nhân dân ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh và sau đó nhân dân các tỉnh phía Bắc như Thanh Hóa, Cao Bằng... về đây lập nghiệp và định cư. Lúc đầu chỉ có vài chục hộ dân, đến năm 1986 có 2.936 nhân khẩu, năm 2010 dân số xã Xuân Sơn có 877 hộ với 4.385 nhân khẩu. Dân cư trong xã sống phân bố tập trung ở 04 thôn: Thôn Xuân Ninh có 249 hộ với 1146 khẩu; thôn Xuân Trang có 271 hộ với 1246 khẩu; thôn Xuân Thọ có 239 hộ với 1.097 khẩu; thôn Xuân Cam có 118 hộ với 896 khẩu. Dân cư của xã chủ yếu là dân tộc Kinh, ngoài ra còn có một số ít dân tộc thiểu số Răglay, Tày, Khơme... sinh sống trên địa bàn xã. 
Mặc dù, nhân dân xã Xuân Sơn có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác nhau vào đây sinh sống ở nhiều thời điểm khác nhau, họ có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là người dân lao động, đi xây dựng cuộc sống mới. Dân cư đến sống ở đây phần lớn là dân nghèo, lao động chủ yếu bằng nghề làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi, làm rừng, làm các nghề thủ công. Trong quá trình lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường, nhẫn nại trước mọi khó khăn, nhân dân xã Xuân Sơn đã khai hoang, mở rộng ruộng vườn tạo dựng những ngôi nhà khang trang, xóm làng đông vui. Nhiều xóm làng, điền thổ được bồi đắp ngày một rộng rãi, có đường đi lối lại dễ dàng, cây cối xanh tươi. Nhiều cánh đồng và các công trình kinh tế, văn hóa được tạo lập.


1


Đang online: 69

Số lượt truy cập: 848624